Wednesday
9
October
2024
(View: 41750)
Hội Thánh Phúc Âm - 14381 Magnolia St. Westminster, CA 92683 (NorthWest corner of Magnolia/Hazard). Liên lạc: vuxh2916@gmail.com
(View: 42431)
Kính Chúc Quý Thân Hữu & Giáo Hữu Cùng Toàn Thể Quý Thân Quyến một năm mới tràn đầy Thiên Ân & Thiên Phước ban từ Đấng Cứu Thế Jesus.
(View: 42644)
Cầu Nguyện chương trình tốt nghiệp kinh thánh tại gia Xin liên lạc email: VNFGMissions@yahoo.com

Món qùa Thượng Đế bạn cho bạn

Monday, September 20, 201012:00 AM(View: 7279)

Thập Tự Giá. Bạn có thể nhìn quanh bất cứ phương hướng nào mà không thấy một thập giá? Chót vót trên đỉnh một thánh đường. Tạc khắc trong một bia mộ. Chạm trổ vào một chiếc nhẫn, hay lủng lẳng dưới một dây chuyền. Thập giá là một biểu hiệu phổ thông Cứu thế giáo. Một lựa chọn lạ lùng, Bạn có nghĩ thế chăng? Lạ lùng vì một dụng cụ hành hình có thể trở thành tiêu biểu cho một trào lưu hy vọng. Những biểu hiệu của các niềm tin khác thì lạc quan hơn: ngôi sao có sáu góc nhọn của Jerusalem, mặt trăng lưỡi liềm của Islam, một hoa sen nở của Phật giáo. Nhưng, một thập giá cho Cứu thế giáo! Một dụng cụ tử hình! Bạn có muốn đeo một cái ghế điện nhỏ quanh cổ Bạn chăng? Hay treo trên tường một dây thắt cổ mạ vàng? Bạn có muốn in hình một đội xử bắn trên tấm danh thiếp? Vậy mà chúng ta làm thế với thập giá. Thậm chí, nhiều người làm dấu hiệu thập giá khi họ cầu nguyện. Chúng ta có muốn làm dấu hiệu… như… một máy chém? hay một nhát chặt karatê trên lòng bàn tay, thay vì làm dấu tam giác trên trán và hai bên vai? Cách đó không mang lại cho chúng ta cùng một cảm giác, phải không? Tại sao thập gía tiêu biểu cho niềm tin của chúng ta? Để trả lời, không cần tìm đâu xa hơn chính thập giá. Không gì đơn sơ hơn kiểu hình thập tự. Một cây đà ngang, cây kia thẳng đứng. Một cây dang ra như tình yêu của Thượng Đế. Cây kia vươn lên như sự thánh thiện của Ngài. Một cây tượng trưng chiều rộng tình yêu của Ngài, cây kia phản ảnh bề cao thánh thiện của Ngài. Thập giá là ngỏ gặp nhau của Tình yêu và Thánh thiện. Thập giá là nơi Thượng Đế tha thứ con cái Ngài mà không hạ giảm tiêu chuẩn Ngài. Sao Ngài có thể làm điều nầy? Tóm gọn một câu: Thượng Đế chất tội lỗi chúng ta trên Con Ngài và trừng phạt tội lỗi trên đó. “Thượng Đế đặt những sai trái trên Con Ngài là Đấng không hề làm điều sai trái, hầu cho chúng ta có thể được xưng công chính cùng Thượng Đế” (II Cor. 5:21 - MSG).

Hoặc, trong một bản dịch khác: “Đấng Christ chẳng hề phạm tội! Song Thượng Đế đãi Ngài như một tội nhân, hầu cho Đấng Christ có thể giúp chúng ta được Thượng Đế chấp nhận” (II Cor. 5:21 – CEV). Hãy tưởng tượng giây phút. hượng Đế trên ngôi Ngài. Còn Bạn ở dưới đất. Và giữa Bạn và Thượng Đế, lơ lửng giữa Bạn và thiên giới, Đấng Christ bị treo trên thập giá Ngài. Những tội lỗi của Bạn đã được chất trên Chúa Jesus. Thượng Đế, Đấng trừng phạt tội lỗi, trút cơn thịnh nộ công chính của Ngài trên những sai lầm của Bạn, Chúa Jesus nhận chịu cơn thịnh nộ đó. Bởi Đấng Christ bị treo giữa Bạn và Thượng Đế, còn Bạn thì không. Tội lỗi bị trừng phạt, song Bạn được an toàn, an toàn trong bóng che của thập giá.

Đây là điều Thượng Đế đã làm, nhưng tại sao, tại sao Ngài muốn làm như vậy? Trách nhiệm đạo đức? Món nợ thiên thượng? Điều kiện trong tình phụ tử? Thưa không, Thượng Đế không bị đòi hỏi phải làm gì cả. Hơn nữa, hãy chú ý việc Ngài đã làm. Ngài ban chính Con Ngài. Người Con duy nhất của Ngài. Bạn có muốn làm thế không? Bạn có thể hiến mạng sống con Bạn cho một người khác chăng? Tôi thì không. Tôi có thể hiến mạng sống tôi cho một số người. Song thử đòi hỏi tôi làm một danh sách những người mà tôi có thể giết con gái tôi vì ho. Tờ giấy sẽ trống không. Tôi không cần một cây bút chì. Danh sách sẽ không có tên nào cả. Nhưng danh sách của Thượng Đế gồm có tên của mọi người đã từng sống. Bởi đây là tiêu điểm tình yêu của Ngài. Và đây là lý do của thập giá. Ngài yêu thương thế gian.

“Vì Thượng Đế quá yêu thế gian đến độ Ngài ban Con duy nhất của Ngài …” (John 3:16 – NLT) Cây đà thập giá bày tỏ tình yêu của Thượng Đế vững chắc như cây đà trụ cốt thánh thiện của Ngài. Ôi, tình yêu của Ngài dang ra rộng lớn dường bao. Phải chăng Bạn không vui vì câu Kinh Thánh không nói rằng: “Vì Thượng Đế quá yêu những kẻ giàu…?” Hoặc “Vì Thượng Đế quá yêu những người danh tiếng…?” Hoặc “Vì Thượng Đế quá yêu những người ốm yếu…?” Không phải thế. Mà cũng không nói rằng: “Vì Thượng Đế quá yêu những người Âu châu hay Phi châu…” “…người đứng đắn hay người thành công…” “…người trẻ hay người già…” Thưa không. Khi chúng ta đọc John 3:16, chúng ta đơn sơ (và vui mừng) đọc rằng: “Vì Thượng Đế quá yêu thế gian…” Tình yêu của Thượng Đế rộng lớn thế nào? Đủ rộng cho cả thế gian. Bạn có được kể trong thế gian chăng? Vậy Bạn được kể trong tình yêu của Thượng Đế. Thật tốt đẹp khi được kể vào. Bạn không bị loại trừ. Các trường đại học loại trừ Bạn nếu Bạn không đủ thông minh. Các doanh nghiệp loại trừ Bạn nếu Bạn không đủ điều kiện, và buồn thay, một số hội thánh loại trừ Bạn nếu Bạn không đủ tốt. Nhưng dù họ có thể loại trừ Bạn, Đấng Christ kể Bạn vào. Khi được hỏi phải mô tả chiều rộng tình yêu của Ngài, thì Ngài dang một tay về bên phải và tay kia về bên trái, rồi để chúng bị đóng đinh tại vị trí đó, hầu cho Bạn có thể biết rằng Ngài đã chết vì yêu thương Bạn.

ĐIỀU GÌ ĐÃ GIỮ CHÚA JESUS TRÊN THẬP GÍA? - NHỮNG CÂY ĐINH VÔ HÌNH!

Chúa Jesus làm việc suốt đời Ngài. Nhưng việc làm nào của Ngài lớn nhất? Ngài đã là một lao công, một thợ mộc. Ngài đã làm việc trong xưởng mộc của Joseph. Bàn tay Ngài có những dấu chai. Ngài biết thế nào là làm việc nhiều giờ, thế nào là mệt nhọc, và thế nào là mòn mõi. Đó là một trong những lý do tại sao Chúa Jesus có thể nói: “Hết thảy những ai lao lực và nặng gánh, hãy đến cùng Ta, thì Ta sẽ cho các ngươi an nghỉ.” (Mat. 11:28) Nhưng việc lớn nhất Chúa Jesus đã làm không phải ở trong xưởng mộc. Việc lớn nhất của Ngài không phải khi Ngài khiến cho kẻ mù được sáng, người điếc được nghe, người câm được nói, hay kẻ chết được sống lại. Việc lớn nhất của Ngài không phải khi Ngài giảng dạy như một Đấng uy quyền, hay khi Ngài cáo giác những người Pharisees giả hình. Việc lớn nhất của Ngài không ở trong các chương trình đạo đức mà Ngài ban cho nhân loại. Vậy, việc làm lớn nhất của Ngài là gì? Việc làm lớn nhất của Ngài đã hoàn thành chỉ trong ba giờ tăm tối trên Đồi Sọ khi Ngài chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Trên Đồi Sọ, Chúa Jesus đi vào một một lao khổ không người nào khác trong khắp vũ trụ biết được. Ngài đã có thể bước xuống thập giá – những cây đinh các tên lính đã đóng không thể giữ Ngài trên đó – nhưng trong ngày ấy có ba cây đinh vô hình khiến Ngài phải tự treo mình trên thập giá. 1. Cây đinh vô hình thứ nhất đã giữ Chúa Jesus trên thập giá là cây đinh TÌNH YÊU.

Trước khi Chúa Jesus đến thế gian, người ta không biết thứ tình yêu Ngài đã có. Kẻ tôi mọi hận thù chủ nhân, người nô lệ hận thù kẻ cai trị, các sắc tộc thù ghét lẫn nhau – gươm giáo diệt kẻ thù khua dậy át tiếng nghiến răng đau đớn. Và trong khối kết tụ của hận thù, cay đắng, bất dung, cố chấp, Thượng Đế cho phép Con Ngài được hạ sanh. Nhưng, kẻ hận thù vẫn đuổi theo Đấng Christ. Lúc Chúa Jesus ra đời, Herod đầy thù hận, truyền một chiếu chỉ phải tiêu diệt hết thảy những bé trai, từ sơ sanh đến hai tuổi. Những người Pharisees thù hận Chúa Jesus vì chân lý Phúc âm của Ngài đã đem sự giả hình của họ ra ánh sáng. Các Thượng tế thù hận Chúa Jesus vì lo sợ lòng ái mộ của các đám đông đối với Ngài sẽ lôi kéo dân chúng ra khỏi Đền Thờ và các tục lệ tôn giáo lập qui của họ. Không giao động vì những thành kiến đương thời, và cùng với Đồi Sọ - mục tiêu kiên quyết và tối hậu của Ngài, Chúa Jesus tuyên bố: “Vì điểm cuối nầy mà Ta được sanh, bởi nguyên nhân đó mà Ta đi vào trần thế” (John 18:37). Thế gian chưa hề thấy một sự bày tỏ tình yêu vô vị kỷ như được bày tỏ trên Đồi Sọ. Vì chưa hề thấy từ trước, nên thế gian không có khả năng hiểu được điều nầy. Đó là “cây đinh Tình Yêu” đã giữ Chúa Jesus trên thập giá. Tôi có nghe về một người đạo đức hơn những người khác. Nguời nầy có một em trai sanh đôi đã phạm một tội hình gớm ghíêc, tai hại xã hội nên bị giam, và bởi tội hình đó anh phải trả giá bằng cả sanh mạng. Người anh định ý cứu em mình vì người em đông con, Ông đến trại tù với một kế hoạch cứu người em khỏi chết do bản án tử hình. Ông được phép vào thăm người em một mình trong xà lim.

Ông nói: “Chúng ta phải hành động nhanh. Trong vài phút, hai người trao đổi lẫn nhau quần áo và vị trí. Người em mang án, cải trang thành người anh vô tội, tự do ra khỏi nhà tù, và người anh vô tội chịu chết thay cho người em phạm tội. Và Chúa Jesus, mang tội phạm của chúng ta, đi lên thập giá để xóa sạch chúng ta khỏi mọi cáo giác và vi phạm. Tình yêu vô vị kỷ đó phải được đáp ứng bằng tấm lòng biết ơn thâm sâu và nằm trong sự vâng phục Đấng Cứu độ. Điều nầy khiến chúng ta phải sống cho Đấng đã chết vì chúng ta. 2. Cây đinh vô hình thứ hai đã giữ Chúa Jesus trên thập giá là cây đinh TRUNG THÀNH. Chúa Jesus đã sống trong bóng che của thập giá. Lúc thiếu niên, Ngài đã nói về nghiệp vụ của Đấng Thiên Phụ và hàm ý về công việc hy sinh của Ngài trên thập giá. Lời phát ngôn của Ngài đầy những hình bóng về sự chết của Ngài trên thập giá. Toàn thể mục vụ của Ngài hướng về Đồi Sọ và làm trọn mục tiêu thiêng liêng đã định cho cuộc đời Ngài. Chúa Jesus phán: “Như Moses đã treo con rắn trong nơi hoang dã, Con Người phải bị treo lên như thế.” (John 3:14) Lòng trung thành của Chúa Jesus đối với mục tiêu mà Thượng Đế đã định cho cuộc đời Ngài và sự kiện Ngài chấp nhận thập giá chứng minh Ngài xứng đáng làm gương cho chúng ta, song những đóm sáng trung thành trong thời đại nầy dường như mờ dần.

Chúng ta phải được phấn hưng về sự trung thành Cứu thế giáo trong lòng chúng ta: Chúng ta cần một sự trung thành mới đối với Đấng Christ. Đó là một sự trung thành bằng hành động, không bằng những lời nói suông; một sự trung thành, bằng bất cứ giá nào, khiến chúng ta có thể sống chết vì Đấng Christ, vì Lời Ngài, vì Phúc âm Ngài. Chúng ta cần một sự trung thành mới đối với những quyết tín đạo đức của chúng ta. Xứ sở chúng ta đang bị hư hoại vì sự bất trung của chúng ta đối với những lý tưởng được ban từ Thượng Đế. Điều nầy đẩy chúng ta vào tình trạng khánh tận đạo đức, và chúng ta mất đi năng lực đạo đức để chống trả. Chúa Jesus phán: “Bất cứ người nào muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, và mang thập giá mình mà theo Ta” (Mat. 16:24). Nếu chúng ta muốn nhận lãnh con đường sự sống của Đấng Christ, con đường thập giá, thì chúng ta cần phải chấp nhận con đường sự chết của Ngài. Nếu chúng ta muốn sống như Chúa Jesus đã sống, thì chúng ta cần phải chết như Chúa Jesus đã chết. Bằng một biểu dương tối thượng về sự trung thành đối với thánh ý của Thượng Đế, Chúa Jesus đã chịu chết tại Đồi Sọ. Lòng trung thành của Ngài phải cảm hóa chúng ta để chúng ta có thể trung thành với thập giá và “mang lấy thập giá” của chúng ta mà theo Ngài. Ấy là “cây đinh trung thành” đã giữ Chúa Jesus trên thập giá. 3. Cây đinh vô hình thứ ba đã giữ Chúa Jesus trên thập giá là cây đinh TỘI LỖI. Tiên tri Isaiah, hơn mọi tiên tri khác, dường như đã hiểu được mục vụ hy sinh của Đấng Christ: “Ngài đã mang những đau đớn của chúng ta, và gánh những lo buồn của chúng ta: vậy mà chúng ta nghĩ rằng Ngài đã bị Thượng Đế đánh đập, hành hạ và làm cho khốn khổ. Nhưng Ngài đã bị tổn thương vì những quá phạm của chúng ta, Ngài đã bị bầm dập vì những gian ác của chúng ta: Ngài phải chịu trừng phạt để chúng ta được bình an, và Ngài phải mang những lằn roi để chúng ta được lành bệnh” (Isaiah 53:4- 5).

Nếu không có tội lỗi trong thế gian, thì đã không cần thập giá. Nhưng tội lỗi đã đi vào suối máu của loài người! Và cây thập tự gổ trên đó Chúa Jesus Christ đã chịu chết là một biểu tượng các mục tiêu chống nghịch của con người đối với Thượng Đế, và chính bởi sự hiện hữu của tội lỗi nầy, mục tiêu chống nghịch nầy đối với thánh ý của Thượng Đế, nên Chúa Jesus chịu chết. Ấy là “cây đinh tội lỗi” đã giữ Chúa Jesus trên thập giá. Nguyên lý của sự hy sinh thay thế được đan dệt vào trọn mảnh vải cuộc đời. Người mạnh hy sinh cho kẻ yếu, người tốt cho kẻ xấu, người vô tội cho kẻ phạm tội. Cha mẹ chịu khổ cho con cái, binh sĩ liều mình cho quốc gia. Người nào hy sinh nhiều nhất, là góp phần nhiều nhất. Không phải chỉ có tội lỗi của thiên hạ đã giữ Chúa Jesus trên thập giá – mà là tội lỗi của Bạn và tôi. Nếu tội lỗi chúng ta không trách nhiệm về Đồi Sọ, thì Đồi Sọ không trách nhiệm cho tội lỗi chúng ta.

Thượng Đế biết lòng dạ của hết thảy mọi người, và biết rằng họ gian ác, nên ban Con Ngài để chịu chết cho tất cả: những người đang sống và những trẻ chưa được sanh. Đồi Sọ là nơi quyết định. Đó là nơi phân rẽ vĩnh cữu, phân rẽ con người thành hai hạng: những người được cứu và những người lạc mất. Ôm lấy chân lý thập giá thì được cứu. Từ chối lẽ thật đó thì lạc mất. Ngày nay, thập giá vẫn phủ bóng che khắp thế gian, và tiếng kêu gào “Treo hắn trên thập giá,” vẫn tiềm ẩn trong những kẻ muốn treo Ngài trên thập giá thay vì ghinh tiếp Ngài như một vị Vua. Việc làm lớn nhất của Đấng Christ là Ngài chịu chết vì chúng ta và Ngài sống lại đắc thắng trên sự chết. Mục tiêu của Ngài là để chết, để tuôn huyết Ngài thay thế cho Bạn và tôi. Chúng ta phải chấp nhận cái chết của Đấng Christ như một điều kiện thay thế cho chúng ta. Không một phương cách cứu độ nào khác. Trước khi chúng ta có thể đắc thắng trên tội lỗi, trước khi lương tâm chúng ta có thể lắng dịu, trước khi chúng ta có thể thoát khỏi phạm tội, trước khi chúng ta có thể bắt đầu trở lại sự sống, chúng ta phải, nhờ đức tin, chấp nhận sự kiện lớn lao nầy về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ. Không ai được lên thiên đàng mà không, nhờ đức tin, tiếp nhận Đấng Christ như Đấng Cứu độ cá nhân mình. Kinh Thánh dạy rõ ràng: nếu chúng ta muốn được lên thiên đàng, cá nhân chúng ta phải, nhờ đức tin, tiếp nhận Đấng Christ Jesus. Phúc âm Đấng Christ còn hiệu lực. Chân lý Ngài không thay đổi. Ngài có thể giải quyết các vấn đề chúng ta, cất đi những gánh nặng chúng ta, xoa dịu tấm lòng chúng ta. Chúng ta có thể kinh nghiệm “sự bình an vượt quá mọi hiểu biết” bằng cách để Đấng Christ đi vào lòng chúng ta. Nhờ đức tin nơi việc làm của Ngài chuộc tội trên thập giá nơi Đồi Sọ, Bạn có thể được rửa sạch mọi tội lỗi, và một ngày kia Bạn sẽ đứng thánh khiết trước Thượng đế toàn lực.

GIÂY PHÚT DIỆU KỲ
VINH QUANG TRONG BÌNH THƯỜNG

Có một chữ mô tả cảnh đêm Ngài đã đến – “bình thường.” Bầu trời bình thường. Ngọn gió lùa lay động những chiếc lá và ướp lạnh không gian. Muôn vàn ngôi sao kim cương lấp lánh trên tấm nhung đen. Từng đợt mây lững lờ qua mặt nguyệt. Một đêm tuyệt đẹp – một đêm đáng cho Bạn hé cửa sổ phòng ngủ để ngắm nhìn – thật ra không phải một đêm bất thường. Không lý do gì để chờ đợi sự bất ngờ. Không điều nào giữ một người tĩnh giấc. Một đêm bình thường với một bầu trời bình thường. Bầy chiên cũng bình thường. Một số mập. Một số ốm. Một số với bụng to như thùng rượu. Một số với đôi chân khẳng khiu. Những con thú bình thường. Không bộ lông chiên bằng vàng. Không một nhà làm sử. Không người thắng giải băng xanh. Chúng đơn sơ là những con trừu – lố nhố, những bóng đen đang ngủ trên sườn đồi. Và những mục đồng. Chúng là dân quê. Có thể mặc tất cả những áo quần họ có. Xông mùi giống như chiên và trông chúng như lông chiên. Chúng tận tụy, muốn qua đêm cùng bầy chiên mình. Nhưng Bạn sẽ không tìm được cây trượng của chúng trong một viện bảo tàng hoặc văn phẩm của chúng trong một thư viện. Không ai hỏi quan điểm của chúng về công lý xã hội hay áp dụng Kinh Torah. Chúng vô danh và mộc mạc. Một đêm bình thường với những con chiên bình thường cùng những mục đồng bình thường. Và nếu chúng không được dùng bởi một Thượng Đế là Đấng yêu thích thêm một “phụ trội” vào cái bình thường, thì đêm đó có thể đã qua đi không ai chú ý. Những con chiên có thể đã bị lãng quên, và các mục đồng có thể đã ngủ vùi suốt đêm. Song Thượng Đế đã khiêu vũ giữa đám bình dân. Và đêm đó Ngài thật đã biểu diễn một vũ điệu waltz. Bầu trời đen bừng dậy rực rỡ. Tàng cây là những bóng tối bây giờ nhảy vào ánh sáng. Những con chiên từng im lặng nay thành hợp ca hiếu kỳ. Một phút gã mục đồng ngủ say như chết, phút sau dụi mắt đăm nhìn người khách lạ. Đêm đó không còn bình thường. Thiên sứ đến trong đêm, bởi khi đó ánh sáng được thấy rõ ràng nhất, và khi đó ánh sáng cần thiết nhất. Thượng Đế đi vào đám bình dân bởi nguyên nhân nầy. Các dụng cụ mạnh mẽ nhất của Ngài là những dụng cụ đơn sơ nhất.

TỪ CHA THIÊN THƯỢNG ĐẾN CHA TRẦN THẾ

“Thưa Chúa, đây không là phương cách con đã định. Không phải vậy. Con của con được sanh trong một chuồng thú sao? Đây không là phương cách con nghĩ sẽ như vậy. Một cái hang với chiên và lừa, rơm với rạ? Vợ con sanh nở, chỉ có những ngôi sao nghe được tiếng kêu đau của nàng? Con không hề nghĩ những điều đó. Thưa không. Con hình dung đến gia đình. Con hình dung các cụ bà nội ngoại. Con hình dung những người hàng xóm tụ tập ngoài cửa và bạn bè đứng bên cạnh con. Con hình dung căn nhà bừng dậy tiếng khóc đầu tiên của đứa bé. Những tiếng vỗ nhẹ trên lưng. Tiếng cười rộn rã. Liên hoan. Đó là cách con nghĩ sự việc sẽ như vậy.

Bà mụ sẽ trao đứa bé cho con và mọi người cùng hoan hô. Mary sẽ nghỉ ngơi và chúng con sẽ liên hoan. Hết thảy Nazareth sẽ liên hoan. Nhưng bây giờ. Bây giờ hãy xem. Nazareth cách xa năm ngày đường. Và chúng con trong một... đồng cỏ đầy chiên. Ai sẽ liên hoan với chúng con? Những con chiên? Những mục đồng? Các vì sao? Việc nầy xem như không phải. Con là một người chồng loại nào? Con không tìm được một bà mụ để giúp vợ con. Không một cái giường cho nàng tựa lưng. Gối đầu nàng là tấm lót lưng lừa. Nhà cho nàng là một cái chòi rơm rạ. Mùi tanh hôi khó thở, những con thú ồn ào. Tại sao, chính con cũng xông mùi như một gã chăn chiên. Phải chăng con đã sơ sót điều gì, thưa Chúa? Khi Ngài sai thiên sứ và nói về một con trai được sanh ra – đây không là điều con phát họa. Con hình dung Jerusalem, đền thờ, các tu sĩ, và dân chúng tụ tập chờ xem. Có thể một lễ hội. Một diễn hành. Ít nhất một yến tiệc. Con muốn nói, đây là Đấng Giải Cứu! Hoặc, nếu không được sanh tại Jerusalem, còn Nazareth thì sao? Nazareth không tốt hơn chăng? Ít nhất tại đó con có một ngôi nhà và nghề nghiệp của con. Còn ở đây, con có gì? Một con lừa mỏi mệt, một bó củi khô, và một bình nước ấm. Đây không là phương cách con muốn được vậy! Đây không là phương cách con muốn cho con của con. Ồ, con lại nhầm lẫn. Con lại sai lầm, phải không, thưa Chúa? Con không muốn làm thế; đó chỉ là điều con quên. Đứa bé không là con của con... mà là Con Ngài. Đứa bé là Con Ngài. Chương trình là của Ngài. Ý kiến là của Ngài. Xin tha lỗi cho con vì câu hỏi, nhưng... phải chăng đây là phương cách Thượng Đế đi vào thế gian? Sự đến của thiên sứ, con đã tiếp nhận. Những câu hỏi người ta nêu ra về sự mang thai, con có thể dung thứ. Chuyến về Bethlehem, cũng được. Nhưng tại sao sanh ra trong một chuồng thú, thưa Chúa? Bây giờ, Mary sẽ sanh nở bất cứ giây phút nào. Không phải sanh ra một đứa con, song một Đấng Giải Cứu. Không phải một hài nhi, song một Thượng Đế. Đó là điều thiên sứ đã tuyên báo. Đó là điều Mary đã tin. Và, lạy Thượng Đế, Thương Đế của con, đó là điều con muốn tin. Nhưng chắc hẳn Ngài có thể hiểu cho con; không phải dễ tin. Xem như thật... thật... thật... lạ kỳ. Con không quen điều kỳ lạ như vậy, thưa Chúa. Con là một thợ mộc. Con tạo những vật khít khao. Con gọt những góc cạnh vuông vắn. Con theo đường thẳng của dây treo hòn chì. Con đo hai lần trước khi cắt một lược. Một người xây dựng không có sự ngạc nhiên. Con thích được biết họa đồ. Con thích được thấy họa đồ trước khi con khởi sự. Nhưng lần nầy, con không là người xây dựng, phải không? Lần nầy con là một dụng cụ. Một cái búa trong nắm tay Ngài. Một cây đinh giữa các ngón tay Ngài. Một cái đục trong bàn tay Ngài. Đồ án nầy là của Ngài, không phải con. Con nghĩ thật dại dột khi chất vấn Ngài. Xin tha thứ sự đấu lý của con. Sự tin cậy không dễ dàng đến với con, thưa Chúa. Nhưng Ngài chưa bao giờ nói điều đó sẽ dễ dàng, phải không? Một điều chót, thưa Chúa. Ngài đã sai thiên sứ đến? Ngài có thể sai một vị khác chăng? Nếu không một thiên sứ, thì có thể một người? Con không biết người nào quanh đây hay một bạn đường có lòng tốt. Có thể người quản nhà trọ, hay một khách lữ hành? Hoặc một gã chăn chiên.

TIẾNG RU NGUYỆN CẦU CỦA MẸ.

“Thượng Đế. Ôi, Thượng Đế Hài Đồng. Con trẻ thông sáng nhất thiên thượng. Thọ thai bằng sự hiệp nhất của ân điển thiêng liêng và sự bất xứng của chúng tôi. Hãy ngủ bình yên. Hãy ngủ bình yên. Hãy tắm mình trong tươi mát của đêm nay rực rỡ kim cương. Hãy ngủ bình yên, bởi cơn nóng thịnh nộ gần bên sôi sục. Hãy âm thầm thỏa vui trong máng cỏ, bởi hỗn tạp ồn ào sẽ quấy động tương lai con. Hãy nếm vị ngọt an toàn trong tay mẹ, vì một ngày chóng đến khi mẹ không thể bảo vệ con. Hãy an nghỉ bình yên, hai bàn tay bé nhỏ. Bởi dù con thuộc một thiên vương, con sẽ không sờ đến gấm vóc hay bạc vàng. Con sẽ không nắm lấy cán bút hay đẩy đưa cọ vẻ. Không, bàn tay bé nhỏ của con được dành cho những việc quí báu hơn: để vuốt ve vết thương lở loét của người phung, để lau khô giọt lệ mỏi mòn của góa phu, để cào cấu đất sỏi của Gethsemane. Hai bàn tay của con, thật nhỏ bé, thật mềm mại, thật trắng trong – xiết chặt đêm nay trong nắm tay thơ ấu. Chúng không được định trước để nắm cây vương trượng, cũng không vung vẩy nơi cung điện trên một bao lơn. Chúng được dành cho một cây đinh La mả ghim chúng trên một thập giá tử hình. Hãy ngủ triền miên, đôi mắt nhỏ bé. Hãy ngủ trong khi con có thể. Bởi sự mờ mịt sẽ sớm tỏ tường, và con sẽ thấy những ô tạp mà chúng tôi đã gây nên trong thế giới con. Con sẽ thấy chúng tôi lõa lồ, bởi chúng tôi không thể che đậy. Con sẽ thấy chúng tôi ích kỷ, bởi chúng tôi không thể ban cho. Con sẽ thấy chúng tôi đau đớn, bởi chúng tôi không thể chữa lành. Ôi, bao nhiêu cặp mắt sẽ thấy hố địa ngục đen tối nhất, và sẽ chứng kiến vị hoàng tử xấu xí của họ... hãy ngủ, xin cứ ngủ; hãy ngủ trong khi con có thể. Hãy nằm yên, chiếc miệng nhỏ bé. Hãy nằm yên chiếc miệng sẽ phán lời vĩnh cửu. Chiếc lưỡi nhỏ bé, sẽ sớm kêu gọi kẻ chết, sẽ minh định ân điển, và sẽ khiến lặng thinh những điều khờ dại của chúng tôi. Đôi môi nụ hồng – trên đó ngôi sao sơ sanh sẽ nở một nụ hôn tha thứ cho những kẻ tin nơi con, và sự chết cho những kẻ từ chối con – hãy nằm yên. Và đôi bàn chân nhỏ bé, gọn gàng trong bàn tay mẹ, hãy nghỉ ngơi. Bởi nhiều bước gập ghềnh trải dài đàng trước cho con... Con nếm bụi đường chăng, trên các nẻo du hành? Con thấy lạnh chăng, khi bước chân trên mặt biển? Con đau đớn chăng, khi đinh sắt đâm thủng bàn tay? Con sợ hãi chăng khi bước xuống hiếc thang sâu thẩm xoáy vào lãnh địa Satan? Hãy nghỉ ngơi, đôi bàn chân nhỏ bé. Hãy nghỉ ngơi hôm nay hầu cho ngày mai con có thể bước đi bằng quyền lực. Hãy nghỉ ngơi. Bởi hằng triệu người sẽ theo những bước con đi. Và trái tim nhỏ bé... trái tim thánh khiết... bôm huyết sự sống khắp vũ trụ: Bao nhiêu lần chúng tôi đập vỡ tim con? Con sẽ bị xé rách bởi vòng gai cáo tội của chúng tôi. Con sẽ bị tàn phá bởi chứng ung thư trong tội của chúng tôi. Con sẽ bị nghiền nát dưới sức nặng buồn rầu của chính chúng tôi. Và con bị đâm sâu bởi ngọn giáo của người chối bỏ. Dù vậy, trong cái đâm thủng đó, trong cái xé rách thịt và da, trong cái đổ máu và nước sau cùng, con sẽ tìm được nghỉ ngơi. Bàn tay con sẽ được giải thoát. Đôi mắt con sẽ thấy công lý, đôi môi con sẽ nở nụ cười, và đôi chân con sẽ đưa con về tổ ấm. Và tại đó, con lại được nghỉ ngơi – lần nầy trong vòng tay Thiên Phụ.

NHỮNG NGƯỜI KHIÊM NHU QUÌ XUỐNG

Chúa Jesus phán: “Phước cho những kẻ khiêm nhu.” Phước cho những kẻ sẵn sàng. Phước cho những ống dẫn, những ngỏ thông, những dụng cụ... Ấy là nguyên do lời tuyên báo đến trước cho các mục đồng. Chúng không hỏi Thượng Đế rằng Ngài có chắc Ngài biết việc Ngài đang làm? Thiên sứ đến với các nhà thần học chăng, có thể họ phải xem trước những bài bình luận của họ. Thiên sứ đến với các nhà quyền quí chăng, có thể họ phải nhìn quanh xem chừng kẻ nào theo dõi họ? Thiên sứ đến với những người thành công chăng, có thể họ phải xem trước các chương lịch của họ. Vậy, Thiên sứ đến với các mục dồng. Những người không một danh vị để bão vệ, hoặc để giải quyết, hay để trèo lên. Những người không đủ hiểu biết để thưa cùng Thượng Đế rằng các thiên sứ không hát cho các đàn chiên, và không thể tìm được các đấng giải cứu quấn trong những miếng giẻ và ngủ trong những máng cỏ... Một giáo đường nhỏ bên ngoài Bethlehem đánh dấu chỗ nầy có thể là nơi sanh của Chúa Jesus. Phía sau một bàn thờ cao nghệu trong thánh đường là một cái hang, một cái hang nhỏ, thắp sáng bằng những ngọn đèn nạm bạc. Bạn có thể vào trong chính điện và ngắm xem ngôi thánh đường cổ. Bạn cũng có thể vào trong cái hang lặng lẽ, nơi đó được khảm một ngôi sao, công nhận sự ra đời của Đấng Thiên Vương. Dù vậy, có một qui điều. Bạn phải cúi xuống. Cửa vào quá thấp, Bạn không thể đứng thẳng đi vào bên trong. Cùng một lẽ thật đối với Đấng Christ. Bạn có thể đứng thẳng cao để nhìn thế gian, song muốn diện kiến Đấng Cứu Độ, Bạn phải quì xuống trên đầu gối. Vậy... trong khi các thần học gia đang ngủ, các nhà quyền quí đang mơ, và những người thành công đang ngáy, thì những kẻ khiêm nhu quì xuống. Họ quì xuống trước Đấng mà chỉ có những kẻ khiêm nhu mới gặp được. Họ quì xuống trước Chúa Jesus.

ĐI THEO NGÔI SAO

Tỉ như Bạn có thể dâng một món quà lên Đấng Christ, thì món quà đó là gì? Làm sao Bạn có thể chọn một món quà cho Đấng chẳng những đã có mọi vật, song cũng đã tạo nên mọi vật. Các Nhà Thông thái đã làm điều nầy. Họ có thể là một tấm gương cho chúng ta. Thêm vào vàng, mộc trầm, và nhủ hương, họ đã dâng lên Đấng Cứu Độ một số quà mà ngày nay chúng ta cũng có thể dâng lên Ngài: hy vọng của ho, thời giờ của họ, và sự thờ phượng của họ. Các Nhà Thông thái lãng du dâng lên Chúa Jesus niềm hy vọng của họ. Khi mọi người khác thấy một đêm đen trên bầu trời, thì nhóm người lẻ loi nầy thấy một ánh sáng. Chăm nhìn ngôi sao, nẩy ra một khát khao trong lòng họ, giục họ chuẩn bị hành trang. Họ ra đi, tìm Chúa Jesus. Khi đêm đen đi vào thế giới của Bạn, thì Bạn thấy gì? Bóng tối hay những vì sao? Vô vọng hay hy vọng? Thỉnh thoảng, như Ngài từng làm từ lâu, Thượng Đế dùng bóng tối để khải hiện những vì sao của Ngài – “Ánh sáng chiếu trong bóng tối”(John 1:5). Nếu trái tim Bạn bị che khuất bởi bóng tối cô đơn, hoặc đau buồn, hay thất vọng, hãy tìm kiếm ánh sáng chỉ riêng Ngài có thể ban cho. “Ta là sự sáng của thế gian. Người nào theo Ta sẽ không bao giờ ở trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng mang lại sự sống” (John 8:12).

Hãy dâng lên Thượng Đế niềm hy vọng của Bạn cho Mùa Giáng Sinh nầy. Trong khi Bạn hiến dâng, hãy dâng lên Thượng Đế thời giờ của Bạn. Các Nhà Thông thái đã làm điều nầy. Trước khi họ dâng lên Thượng Đế các lễ vật của họ, họ dâng lên sự hiện diện của họ. Dường như những người nầy phải du hành trong hai năm trước khi tìm được vị trí của vị Vua Thiên thượng. Trước giây phút kỳ diệu đó, khi họ quì xuống trước Chúa Jesus, các Nhà Thông thái đã trải qua nhiều giây phút, nhiều tháng, có thể nhiều năm tìm kiếm, dự liệu cho kỳ gặp gỡ đó. Như các Nhà Thông thái tận hiến chính mình trong sự tìm kiếm Đấng Cứu Độ, thì Bạn cũng có thể: “Các ngươi sẽ tìm kiếm Ngài và gặp được Ngài, khi các ngươi tìm kiếm Ngài bằng tất cả tấm lòng” (Luật Truyền 4:29). Và khi họ gặp được Ngài, Các Nhà Thông thái dâng lên Chúa Jesus một món quà khác: sự thờ phượng của họ. Có thể rằng những người nầy thật giàu có. (Cách nào khác có thể giúp họ ra đi trên một hành trình xa xôi, mà vẫn còn quà để dâng lên Chúa lúc cuối hành trình?) Dường như những người nầy có uy thế. (Cách nào khác có thể giúp họ được hầu chuyện cùng vua Herod?) Họ phải là những người trí thức. (Cách nào khác có thể giúp họ định hướng xuyên qua miền đất hoang vu hằng ngàn dậm đi tìm vì sao?) Những con người giàu có, uy thế, và trí thức: họ đã làm gì khi họ thấy Chúa Jesus? “... Họ sấp mình xuống và thờ lạy Ngài” (Mat. 2:11) Thờ phượng. Đó là một món quà cũng được ban lại cho người hiến dâng. Qua thờ phượng, chúng ta đến để nhìn Thượng Đế rõ ràng hơn. Thượng Đế gọi mời chúng ta, qua sự thờ phượng, để nhìn mặt Ngài, hầu cho những bộ mặt chúng ta có thể thay đổi. “Hết thảy chúng ta tỏ bày vinh quang Chúa, và chúng ta được thay đổi phải giống như Ngài. Đến từ Chúa là Đức Thánh Linh, sự thay đổi trong chúng ta sẽ mang lại vinh quang lớn hơn” (2 Cor. 3:18).

Ngài yêu thích thay đổi các gương mặt của con cái Ngài. Với các ngón tay Ngài, nét nhăn lo lắng được tẩy sạch. Bóng tối hổ thẹn và nghi ngờ trở thành chân dung của ân điển và trông cậy. Ngài xoa dịu những quai hàm nghiến chặt và vuốt phẳng những vừng trán gợn sóng... Trong khi thờ phượng, chúng ta đơn sơ đứng trước Thượng Đế với tấm lòng chuẩn bị và sẵn sàng, rồi để Chúa thể hiện công việc Ngài. Và Ngài làm. Ngài lau khô những dòng lệ. Ngài chùi sạch những giọt mồ hôi. Ngài xoa dịu những đường nhăn trên trán. Ngài vuốt ve đôi má chúng ta. Ngài thay đổi sắc diện chúng ta trong khi chúng ta thờ phượng Ngài. Các Nhà Thông thái đi tìm Con Thượng Đế, cũng như Thượng Đế tìm kiếm con cái Ngài. “Đấng Thiên Phụ nôn nao tìm kiếm những người như thế để thờ phượng Ngài” (John 4:23) Các món quà hy vọng, thời giờ, và thờ phượng. Những người khôn ngoan vẫn phải dâng hiến ba món quà nầy.
Send comment
Your Name
Your email address
“Nầy, Ngài ngự đến trong những đám mây, mọi con mắt sẽ trông thấy Ngài, thậm chí những kẻ đã đâm Ngài, cùng hết thảy các dân tộc trên đất sẽ kêu khóc vì cớ Ngài. Thật vậy, Amen. Chúa phán: “Ta là Alpha và Omega, nguyên khởi và cuối cùng, là Đấng Toàn Lực hiện có, đã có, và sẽ đến” (Khải thị 1:7-8). Thánh Thi 89:6 cũng nói tiên tri về sự tái lâm của Ngài: “Bởi trên thiên thượng, ai có thể sánh với CHÚA? Ai trong những con trai của các thần có thể giống như CHÚA?” Chúa Jesus sẽ trở lại
Ngài August Winning, vị Tổng thống tiền nhiệm Đông Phổ (East Prussian), cũng là một nhà lãnh đạo công nhân có lương tâm, đã nói rằng: “Tôi đã rảo một vòng rộng lớn để tránh Đấng Christ, song lần hồi tôi đến gần Ngài hơn. Tôi đã thấy người đời ngày càng đắm chìm trong xấu xa, và tôi cũng không thấy một ngoại lệ. Không phải mọi người đều phạm tội hình sự, song mọi người đều có những ý tưởng, những ham muốn và những dục vọng trầm trọng không khác tội giết người.
Cứu Thế Giáo là gì? Ngày nay, một Tín đồ Cứu Thế Giáo chân chính xứng đáng như thế nào? Voltaire (Đại văn hào Pháp) tự xưng là một người vô thần. Vua Friedrich Đại đế Đức quốc có lần hội kiến với Ông, và khi nâng ly, Voltaire ngạo nghễ nói rằng: “Tôi sẽ đổi phương vị của tôi trên Thiên đàng để lấy một đồng tiền Prussian.” Yên lặng phủ trùm gian phòng cho tới khi một Vị khách khác trong cung Vua Friedrich quay sang Voltaire, và nói: “Chúng tôi có một điều luật tại Prussia, theo điều luật nầy người nào muốn bán một vật chi, trước nhất phải chứng minh rằng vật đó thật sự thuộc về mình. Vậy Ông có thể chứng minh rằng Ông có một chỗ trên Thiên đàng chăng?”
Cái chết trong tháng Tư tại Iraq của ký gỉa Davis Bloom thuộc cơ quan truyền thông NBC là một cú xốc cho nhiều khán gỉa truyền hình Hoa kỳ. Đây là một nhân vật qua bộ phim truyền hình “Today,” hoặc qua Toà Bạch Ốc, thường xuyên có mặt tại phòng khách trong nhà chúng ta. Ông tường thuật các biến cố từ Bosnia, Somalia, Israel, Kuwait, Pakistan, cả đến hai cao ốc ở New York bị triệt hạ. Trong đám táng Bloom, các bạn hữu và cọng sự viên thân nhất của Ông, nói rằng Ông đã mang phiêu lưu, khôi hài và thiện cảm vào truyền hình. Bây giờ, Ông đột ngột biến mất.
Hơn 75 năm qua, Henry Luce muốn tìm một danh từ, vỏn vẹn một chữ, cho một tuần san tin tức, danh từ đó phải mô tả những biến cố đã xảy ra trong ngày. Ông đã chọn chữ “Thời.” Kinh Thánh dạy rằng: “Thời gian trong cuộc đời chúng ta là 70 năm” (Thánh Thi 90:10) . Thời gian là một nhiệm mầu. Chúng ta cảm biết thời gian trôi qua trong năng thức. Chúng ta đo lường thời gian diễn tiến bằng những cơ cụ chỉnh bị tinh vi. Chúng ta đánh dấu thời gian chóng bay, và chúng ta đọc được ký ức mà thời gian để lại phía sau. Song, một điều chúng ta không thể làm, là định nghĩa thời gian.
Kinh Thánh có hằng ngàn điều hứa cho chúng ta để cầu xin và áp dụng trong cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên, một số người trong chúng ta sống như Thượng Đế chẳng hứa lời nào. Chúa Jesus phán: “Hỡi những kẻ rồ dại và lòng chậm tin” (Luke 24:25). Chúng ta đọc trong I Corinthians: “Chớ ai tự dối mình. Nếu người nào trong anh em tưởng mình khôn ngoan trong thiên hạ, thì hãy trở nên rồ dại, để mình có thể khôn ngoan.
Trong Mùa Giáng Sinh năm nay một người bạn gởi dến chúng tôi một bài thơ của một Thi sĩ mang tên Rumi. Điều 1ý thú là Rumi một tín đồ Hồi giáo Sufi từ thế kỷ 13, sanh ra và chết trong các miền đất ngày nay goi là Afghanistan và Turkey. (Islamic Sufi là một giáo phái mang nhiều ảnh hưởng và thấm nhuần Cứu thế giáo của Chúa Jesus). Bài thơ nầy đến đúng lúc chúng ta suy tư về ý nghĩa Giáng Sinh trong thế giới hỗn loạn ngày nay. Chúng ta hãy nghe những lời thông sáng của một thi sĩ thời xưa, hầu có thể mở rộng những Cửa Sổ Tình Yêu của chúng ta.
Những người ngồi trên phi cơ và những người ngồi trên băng ghế nhà thờ có rất nhiều điểm giống nhau. Tât cả đều trên một hành trình. Hầu hết giữ tư cách tốt đẹp và lịch sự. Một số ngủ gà ngủ gật, một số khác đăm nhìn ra cửa sổ. Hầu hết, nếu không phải tất cả, thỏa lòng với một kinh nghiệm có thể đoán trước. Đối với nhiều người, dấu hiệu của một chuyến bay tốt đẹp và dấu hiệu của một buổi nhóm thờ phượng tốt đẹp giống nhau. Chúng ta thích nói: “Tốt đẹp.” – “Một chuyến bay tốt đẹp,” hay “Một buổi thờ phượng tốt đẹp.” Chúng ta đi ra cùng một lối chúng ta vào, và chúng ta vui vẻ trở lại kỳ tới.
Xin được hầu chuyện cùng Bạn về ngôi nhà của Bạn. Chúng ta hãy bước qua ngưỡng cửa và thử đi một vòng. Bạn biết, một người sáng suốt thường hay thực hiện một cuộc quan sát trong nhà – kiểm soát mái nhà bị dột, xem các vách bị cong và nền nhà bị nứt? Thử xem các tủ chén trong bếp của Bạn có dầy đủ không; và nhìn qua các quyển sách xếp trên kệ trong thư phòng của Bạn. Chi vậy? Bạn nghĩ rằng thật kỳ cục khi tôi muốn dòm ngó căn nhà của Bạn? Bạn đã nghĩ rằng tôi chỉ viết về các vấn đề thuộc linh? Đúng thế. Xin thứ lỗi, lẽ ra tôi phải nói rõ hơn. Tôi không nói về căn nhà hữu thể của Bạn bằng đá hay tre, gỗ hay tranh, song một căn nhà vô hình của Bạn bằng tư tưởng và chân lý, tín quyết và hy vọng.
Một ngày trong cuộc đời Đấng Christ. Cứ gọi đó là một tấm thảm rối loạn, một tạp ảnh ồn ào, trong đó những sợi chỉ vàng của chiến thắng đan lẩn với những sợi chỉ đen tả tơi của bi kịch. Cứ gọi đó là một tấu khúc tình cảm, một buổi hòa nhạc từ rạngđông- đến-hoàng-hôn của tuyệt điểm. Một phần nhạc phổ vang điệu hân hoan, phần kế tiếp thở than bi lụy. Trên một trang, toàn ban trổi điệu tôn thờ, trang kế tiếp Chúa Jesus độc diễn cô đơn vũ khúc.